Chuyển đến nội dung chính

Các giai đoạn chính trong quá trình phát sinh loài người



Quá trình phát sinh loài người đã trải qua các giai đoạn chính sau đây: vượn người hoá thạch, người tối cổ (người vượn), người cổ và người hiện đại. Quá trình này đã được chứng minh bằng các hoá thạch phát hiện ngày càng đầy đủ.

I/.CÁC DẠNG VƯỢN NGƯỜI HÓA THẠCH
Dạng vượn người hoá thạch cổ nhất là Parapitec sống ở giữa kỷ Thứ ba, cách đây khoảng 30 triệu năm. Đây là một loài khỉ mũi hẹp, bằng con mèo, có đuôi, mặt khá ngắn, hộp sọ khá lớn, sử dụng chi trước vào nhiều hoạt động như cầm nắm thức ăn, bóc vỏ quả cây.
Từ Parapitec đã phát sinh ra vượn, đười ươi ngày nay và Đriôpitec đã tuyệt diệt. Một nhánh con cháu của Đriôpitec dẫn tới gôrila và tinh tinh. Một nhánh khác dẫn tới loài người, qua một dạng trung gian đã tuyệt diệt là Ôxtraôpitec sống ở cuối kỷ Thứ ba, cách đây hơn 5 triệu năm. Chúng đã chuyển hẳn xuống mặt đất, đi bằng 2 chân sau, mình hơi khom về phía trước. Chúng sống giữa thảo nguyên trống trải, cao 120 – 140cm, nặng 20 – 40kg, sọ 500 – 600cm3. Chúng đã biết sử dụng cành cây, hòn đá, mảnh xương thú để tự vệ và tấn công. Hoá thạch của Ôxtralôpitec được phát hiện năm 1924 ở Nam Phi. Gần đây đã xác định được rằng Ôxtralôpitec gồm 5 – 6 loài, từng sống trên một địa bàn rất rộng, không chỉ ở Nam Phi mà còn cả ở Đông Phi, Trung Phi, châu Á. Chúng gần giống với người hơn cả các vượn người ngày nay.

II/.NGƯỜI TỐI CỔ (Còn gọi là người vượn)
Hoá thạch người tối cổ Pitêcantrôp được Đuyboa phát hiện ở Java (Inđônêxia) năm 1891. Pitêcantrôp sống cách đây khoảng 80 vạn – 1 triệu năm, cao 170cm, hộp sọ 900 – 950cm3, vượt xa khoang sọ của tất cả các vượn người hiện nay. Trán còn thấp và vát về phía sau, gồ trên hốc mắt còn nhô cao, xương hàm thô, chưa có lồi cằm... Đó là những đặc điểm còn giống vượn người. Xương đùi thẳng chứng tỏ Pitêcantrôp đã đi thẳng người. Đáng chú ý là tay, chân của nó đã có cấu tạo gần giống người hơn cả bộ não, Pitêcantrôp đã biết chế tạo công cụ bằng đá là những mảnh tước có cạnh sắc. Ngày nay hoá thạch Pitêcantrôp đã được tìm thấy cả ở châu Phi và châu Âu.
Tiếp theo Pitêcantrôp là dạng người tối cổ Xinantrôp phát hiện năm 1927 ở gần Bắc Kinh. Bề ngoài Xinantrôp rất giống Pitêcantrôp: trán thấp, gờ lông mày cao, hàm to, răng thô, chưa có lồi cằm. Tuy nhiên sọ đã đạt tới 850 – 1220cm3, phần não trái rộng hơn não phải 7mm, chứng tỏ Xinantrôp đã thuận tay phải trong lao động. Người Xinantrôp sống cách đây 50 – 70 vạn năm. Trong hang của họ đã tìm thấy những đồ dùng bằng đá, bằng xương chưa có hình thù rõ rệt, có cả dấu vết than tro, có nơi dày tới 6m chứng tỏ họ đã biết giữ lửa do các vụ cháy rừng gây ra, biết săn thú và dùng thịt thú làm thức ăn chính.

III/.NGƯỜI CỔ NÊANĐECTAN
Hoá thạch điển hình được phát hiện năm 1856 ở hang Nêanđe (CHLB Đức). Sau đó tìm thấy ở khắp châu Âu, Á, Phi. Người Nêanđectan có tầm thước trung bình (155 – 166cm), sọ 1400cm3, xương hàm đã gần giống với người. Ở một số cá thể đã có lồi cằm chứng tỏ tiếng nói đã khá phát triển nhưng họ trao đổi ý kiến chủ yếu vẫn bằng điệu bộ. Công cụ của người Nêanđectan khá phong phú chủ yếu được chế tạo từ mảnh đá silic được đẽo ra, có cạnh sắc làm thành dao, rìu mũi nhọn, có khi được ghè đẽo công phu.
Người Nêanđectan sống cách đây 5 đến 20 vạn năm trong thời kỳ băng hà phát triển. Họ biết dùng lửa thông thạo, săn bắt được cả những động vật lớn. Họ sống thành từng đàn 50 – 100 người, chủ yếu trong các hang đá, đôi khi tạo dựng chỗ ở dưới các chỏm đá hoặc trên bờ sông, che thân bằng tấm da thú. Đàn ông đi săn tập thể. Đàn bà, trẻ em hái quả, đào củ. Người già chế tạo công cụ.

IV/. NGƯỜI HIỆN ĐẠI CRÔMANHÔN
Hoá thạch đầu tiên được tìm thấy ở làng Crômanhôn (Pháp) năm 1868, về sau còn được phát hiện ở nhiều nơi thuộc châu Âu và châu Á.
Người Crômanhôn sống cách đây 3 – 5 vạn năm, cao 180cm, sọ 1700cm3, trán rộng và thẳng, không còn gờ trên hốc mắt. Hàm dưới có lồi cằm rõ, chứng tỏ tiếng nói đã phát triển. Họ có hình dáng giống hệt chúng ta ngày nay, chỉ khác là răng họ to khoẻ và mòn nhiều hơn do ăn nhiều thức ăn rắn và chưa chế biến. Họ đã chế tạo và sử dụng nhiều công cụ tinh xảo bằng đá, xương, sừng như lưỡi rìu có lỗ để tra cán, lao có ngạch, kim khâu và móc câu bằng xương.
Trong các hang của người Crômanhôn người ta tìm thấy những bức tranh mô tả các quá trình sản xuất và cả những mầm mống quan niệm tôn giáo.
Người Crômanhôn kết thúc thời đại đồ đá cũ. Sau đó là thời đại đồ đá giữa (1,5 – 2 vạn năm) rồi đến thời đại đồ đá mới (7 – 10 ngàn năm). Từ thời đại đồ đá giữa, quan hệ thị tộc được thay thế bằng chế độ cộng sản nguyên thuỷ. Sau đó nữa là thời đại đồ đồng, đồ sắt.
Người Crômanhôn đã chuyển từ giai đoạn tiến hoá sinh học (trong đó các nhân tố sinh học đóng vai trò chủ yếu) sang giai đoạn tiến hoá xã hội (trong đó các nhân tố xã hội đóng vai trò chủ yếu). Các nhà khoa học xếp người Crômanhôn với người ngày nay vào một loài là người mới (Neanthropus) hay người khôn ngoan (Homosapiens). Qua quá trình phát triển lâu dài, loài người đã phân hoá thành một số chủng tộc.
Những tài liệu hoá thạch trên đây đã phác hoạ các giai đoạn chính trong quá trình phát sinh loài người. Các nhà nhân chủng học cho rằng quá trình chuyển biến từ vượn thành người đã diễn ra trên một lãnh thổ tương đối rộng, bao gồm phần lớn châu Phi, miền Nam châu Âu và phần Nam châu Á, trong đó có Việt Nam.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vì sao con người thích thử nghiệm cái mới?

Các nhà khoa học đã xác định được một vùng não khiến chúng ta có máu phiêu lưu. Kết quả có thể giúp lý giải vì sao mọi người luôn bị thu hút bởi những món hàng mới khi đi mua sắm. Khi chụp ảnh não để đo dòng máu chảy, các nhà nghiên cứu Anh đã phát hiện một vùng não, gọi là thể vân bụng, hoạt động nhiều hơn khi chủ thể chọn một đồ vật mới lạ trong cuộc kiểm tra. Vùng não này liên quan tới việc xử lý các phần thưởng thông qua việc thải ra các truyền dẫn thần kinh như dopamine. Các nhà khoa học tin rằng sự tồn tại của cơ chế tặng thưởng lâu đời này chứng tỏ có một lợi thế tiến hóa trong việc thử nghiệm những điều chưa được biết. "Tìm kiếm một cảm giác mới lạ là một xu hướng hành vi cơ bản ở con người và động vật. Việc thử nghiệm những lựa chọn mới sẽ mang lại những lợi ích lâu dài", Bianca Wittmann tại Đại học College London, Anh, nhận định. Tuy nhiên, liều lĩnh cũng mang lại rủi ro. Một số lựa chọn có thể gây nguy hiểm, và ở thế giới hiện đại, chọn lựa những thứ mới sẽ khiến n