Chuyển đến nội dung chính

Định mệnh có thật hay không?



Ngay từ thuở hoang sơ của nhân loại - khi lịch sử hãy còn là truyền thuyết. Con người đã có những cố gắng tìm kiếm những thông tin cho tương lai của cuộc đời. Nhưng tính chính xác của dự báo càng cao, con người càng bị đẩy dần đến sự khắc nghiệt của định mệnh. Hàng thiên niên kỷ đã trôi qua. Nhân loại vẫn chưa tìm được câu trả lời:

ĐỊNH MỆNH CÓ THẬT HAY KHÔNG?

Thay lời mở đầu
Có thể nói rằng:
Ngay từ thuở hoang sơ của loài người, vào thời mà lịch sử chỉ là những truyền thuyết và huyền thoại, nhưng khi con người đã ý thức được sự tồn tại của chính mình thì cũng muốn biết đến tương lai của cuộc đời. Từ vua chúa đến thứ dân, họ đã tìm đến những nhà tiên tri - hoặc nhân danh thần thánh, hoặc nhân danh những quyền lực siêu nhiên - để nghe lời tiên đoán về những việc lành dữ sẽ xẩy ra cho số phận con người và cả những quốc gia. Từ những truyền thuyết và huyền thoại cổ xưa nhất cho đến giai thoại về những nhà tiên tri, những phương pháp bói toán của các nền văn minh cổ còn lưu truyền, cho đến sự hiện hữu của những nhà tiên tri nổi tiếng ngay trong thời hiện đại, đã chứng tỏ con người luôn muốn biết trước tương lai của mình. Hiệu quả của những lời dự đoán trải dài theo lịch sử nhân loại cho đến tận ngày hôm nay, thỏa mãn được trí tò mò của con người trước những cái sẽ xảy ra cho số phận con người. Nhưng oái ăm thay! Chính hiệu quả của những lời dự đoán đó, lại khiến cho con người phải ngậm ngùi khi đặt vấn đề cho thân phận của mình: Định mệnh có thật hay không?


Bạn có thể đã từng đi xem bói. Thầy bói nói trật lấc. Bạn có thể có lý khi không tin vào định mệnh và chỉ tin vào chính khả năng của mình. Bạn vẫn có thể thành công và tay trắng tạo nên sự nghiệp. Bạn vẫn có thể yên tâm nhắm mắt, xuôi tay ở giây phút chót của cuộc đời và di huấn lại cho con cháu: "Không có định mệnh, tất cả đều do chính con người!".


Nhưng, những điều xảy ra cho cuộc đời của bạn, chưa chứng minh được rằng: Định mệnh không có thật. Bởi vì, tất cả những tri kiến tích lũy trong cuộc đời bạn, chỉ có thể giải thích được những cái đã xảy ra. Nhưng con người lại muốn biết chính xác những cái sẽ xảy ra. Tính chính xác của sự dự báo càng cao, con người lại càng bị đẩy gần tới sự khắc nghiệt của định mệnh?!

Không chỉ có bạn, những niềm tin tôn giáo chính thống cũng phủ nhận định mệnh và cho rằng chỉ có Đấng Chí Tôn mới quyết định số phận con người. Với niềm tin này, cho rằng mọi số phận đều đã được Đấng Chí Tôn an bài từ trước. Số phận con ngườI phụ thuộc vào Đấng Chí Tôn. Bởi vậy; những người trung thành với niềm tin tôn giáo mãnh liệt nhất, phải cố gắng làm vừa lòng Đấng Chí Tôn để thay đổi số phận của mình trong hiện hữu, trong tương lai và trong cả những kiếp mai sau. Hoặc số phận của bạn phụ thuộc vào qui luật Nhân & Quả = không có Định Mệnh mà chỉ có sự nhận thức và hành vi của con người và hậu quả của nó. Như vậy; trong trường hợp này:

Không có định mệnh. Vì nó phụ thuộc vào tri thức của bạn (luật nhân quả); hoặc vào ý chí của Đấng Tối Cao?

Như vậy; những lời tiên tri - hoặc là - chỉ là sự phản ánh ý trí của Đấng Tối Cao; hoặc là phản ảnh hậu quả của chính những dữ kiện trong cuộc đời của bạn và dữ kiện đó phụ thuộc vào tri thức của bạn?
Hoặc cũng có thể bạn nhân danh khoa học và cho rằng định mệnh là hệ quả của sự bói toán, mê tín dị đoan. Nhưng nếu bạn là một nhà khoa học, thì chắc chắn bạn cũng biết một tiêu chí khoa học là:

"Một giả thiết khoa học chỉ được coi là đúng, nếu nó giải thích được hầu hết những vấn đề liên quan đến nó và có khả năng tiên tri".
(mà dân gian gọi nôm là "bói" ).

Hơn nữa, chính các nhà khoa học đang mơ ước:

"Tạo ra một lý thuyết thống nhất các định luật vũ trụ! Một siêu công thức bao trùm mọi định luật của thiên nhiên, hoàn toàn có thể giải thích mọi sự kiện bao quanh của con người từ những hạt vật chất cực nhỏ, đến những thiên hà khổng lồ".

Chúng ta đặt một giả thiết rằng: Tri thức của nhân loại đã đạt được điều mà các nhà khoa học đang mơ ước. Nhưng siêu lý thuyết đó - khi hiện hữu - lại tồn tại trong một cuộc sống và xã hội vẫn tiếp tục phát triển. Như vậy, một trong những chức năng quan trọng của siêu lý thuyết này sẽ lại là những lời dự báo mọi sự kiện bao quanh của con người, cho đến sự vận động của những thiên hà khổng lồ. Phải chăng chính khoa học, khi đạt đến sự tuyệt đỉnh của nó, sẽ lặp lại câu hỏi mà nhân loại đã đặt ra từ ngàn xưa: Định mệnh có thật hay không? Bởi vì, một lý thuyết khoa học thực sự phải có khả năng dự báo những hiện tượng liên quan đến nó. Sự khác nhau giữa khả năng tiên tri đã và đang hiện hữu trong lịch sử với khi tri thức của nhân loại đạt được một siêu lý thuyết (theo giả thuyết) là: Sự tiên tri đang hiện hữu, tri thức khoa học hiện đại chưa lý giải được căn nguyên của nó và mang màu sắc huyền bí; còn sự tiên tri trong tương lai thì con người biết được căn nguyên của nó nên không thấy huyền bí. PhảI chăng - trong trường hợp này – chính những tiêu chí khoa học và những mơ uớc của nó lại chứng tỏ Địnhmệnh đang hiện hữu trên thực tế và sẽ được khoa học chứng minh trong tương lai?


Nhưng liệu khả năng của khoa học hiện đại có thể đạt được điều mơ ước đó không?
Trong cuốn sách khá nổi tiếng:"Thượng Đế và Khoa học" (Tác giả Jean Guiton. Grichka Bogdanov. Igor Bogdanov. Nxb Grasset - Paris) cho thấy Thượng Đế vẫn mỉm cuời trước những cố gắng của con người - trước những tri thức khoa học hiện đại nhất - trong việc tìm về sự khởi nguyên của vũ trụ. Trong lời giới thiệu cho cuốn sách (Bản dịch tiếng Việt của Lê Diên.Nxb Đà nẵng), giáo sư Đặng Mộng Lân đã viết:

"Nói cách khác, Thượng Đế hay khoa học, đó chỉ là hai sự lựa chọn. Guiton đã chọn khả năng thứ nhất. Còn khả năng thứ hai? Không có gì ngăn cản chúng ta với sự lựa chọn còn lại".

Có lẽ ông Đặng Mộng Lân đã lầm.Ở đây không phải là sự lựa chọn mang tính áp đặt chủ quan; mà là phải chứng minh cho một trong hai khả năng ấy: Thượng Đế hay khoa học. Với tựa của luận đề này và cũng là vấn đề đặt ra cho nó thì dù Thượng Đế hay khoa học sẽ đều có trách nhiệm chung để trả lời một câu hỏi tồn tại từ ngàn xưa của nhân loại:

"Định mệnh có thật hay không?".

Vấn đề là:
Sự trả lời ấy nhân danh Thượng Đế hay khoa học!

Ông Guiton đã lựa chọn khả năng thứ nhất và ông đã chứng minh cho sự lựa chọn của mình qua những lý thuyết khoa học hiện đại và tiên tiến nhất trong cuốn: "Thượng Đế và Khoa học". Nếu ý chí của Thượng Đế chính là sự khởi nguyên của vũ trụ thì sự lý giải cho vấn đề đặt ra của luận đề này sẽ được giải quyết đơn giản hơn nhiều: Định mệnh sẽ không có thật, vì nó lệ thuộc vào ý chí của Đấng Chí Tôn khi Ngài muốn thay đổi trật tự của vũ trụ. Luận đề này sẽ được kết thúc ở đây.
Nếu vũ trụ này là một sự tồn tại khách quan, tự nó và do nó; đồng thời khoa học là kết quả của sự nhận thức của con người phản ánh những qui luật vận động khách quan của vũ trụ thì những lời bói toán, tiên tri chính là kết quả của những sự tương tác có tính qui luật của vũ trụ với cuộc sống con người mà con người có khả năng nhận thức được. Nhưng với sự lựa chọn này, luận đề mà tôi đang tuờng với các bạn sẽ phải chứng minh điều đó. Như vậy, cũng đồng nghĩa với việc nó phải vượt qua chính cái ngưỡng mà nền khoa học hiện đại chưa đạt tới và đang mơ ước.
Nhưng với lập luận này - khi con người khi nhận thức được những qui luật tương tác của vũ trụ và tích luỹ những tri thức ấy - thì chính sự nhận thức lại không thuộc về những qui luật đó. Vì sự nhận thức lúc này là một chủ thể và là đối tác của những qui luật tạo nên Định mệnh. Tất nhiên nó không phải Định mệnh. Như vậy giữa Định mệnh và phi Định mệnh; đâu là chân lý? Chiếc chìa khoá mở bức màn huyễn ảo này đang ở đâu?

NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA ĐỊNH MỆNH

Trong truyện Kiều, một áng văn chương trác tuyệt của người Lạc Việt, cụ Nguyễn Du đã mở đầu cho thiên trường thi bất hủ của mình bằng một cảm nhận hoài nghi cho sự tồn tại của định mệnh:

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau.

Trong suốt thiên trường thi tiểu thuyết đó, định mệnh như đeo đẳng; quyết định số phận cay đắng của nàng Kiều. Nhân vật Thúy Kiều đã cố gắng vùng vẫy; nhưng hình như cũng không thoát khỏi định mệnh:

Chém cha cái số hoa đào
Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi

Nhưng những sự kiện xảy ra liên tiếp trong truyện Kiều, cũng không minh chứng được sự tồn tại của định mệnh cho số phận của con người. Để rồi cụ Nguyễn Du cũng phải thở dài, buông một vần thơ nổi tiếng, trở thành thành ngữ trong ngôn ngữ Việt Nam.

Nào ai học được chữ ngờ?

Với khái niệm của chữ "ngờ" thì sự may rủi không thuộc về định mệnh, mà đó là quan hệ giữa tri thức của con người với khả năng dự liệu những sự kiện có thể xảy ra trong tương lai. Và cái vòng lẩn quẩn lại lặp lại. Con người - để tránh chữ "ngờ" - tiếp tục đi tìm tương lai qua những lời dự báo. Tính chính xác của dự báo lại đặt ra một khái niệm về “định mệnh” cho số phận con người.
Ngay cả Khổng Minh Gia Cát Lượng, một nhân tài kiệt xuất - người đã tạo nên một cục diện lịch sử Trung Hoa thời Tam quốc - hình như cũng không thoát khỏi định mệnh qua tiếng thở dài của Tư Mã Đức Tháo:

"Khổng Minh tuy gặp chủ nhưng không gặp thời. Thật tiếc lắm thay!".

Cuối đời, ông cũng phải ngậm ngùi nhìn ngôi sao định mệnh của mình rơi ở gò Ngũ Trượng, để lại một sự nghiệp còn giang dở.
Không phải chỉ ở phương Đông, định mệnh còn là sự ám ảnh của con người trên khắp thế giới, theo xuốt dọc thời gian lịch sử loài người. Mỗi nền văn minh cổ mà những di sản văn hóa còn truyền lại đến bây giờ, đều có những phương pháp dự đoán khác nhau nhằm tìm kiếm những thông tin cho tương lai. Từng thời đại trong lịch sử loài người đều ghi nhận trong truyền thuyết những nhà tiên tri có tên tuổi. Ngay trong thời hiện đại cũng có những nhà dự đoán mà tên tuổi được nhắc nhở: Bà Vanga, nhà tiên tri người Bungari; Hassan Chami, phó chủ tịch hội chiêm tinh thế giới người Tuynidi; Thiệu Vĩ Hoa, nhà dự đoán học người Trung Quốc… đã dự đoán nhiều sự kiện và thế giới phải kinh ngạc vì sự chính xác của nó (Mặc dù có những sự kiện nổi tiếng họ đã không dự đoán như: Cuộc họp bí mật và tốn kém nhất trong lịch sử nhân loại của Tổng thống Mỹ Reagan và Tổng thống Liên Xô Goocbachop ở Địa Trung Hải). Nhưng không phải lúc nào họ cũng đoán trúng. Một thí dụ trong trường hợp này là: Vào năm 1998, ông Hassan Chami đã tiên đoán:

"Giáo hoàng Jean Paul II, Quốc vương Ả Rập Saudi Fahd, Tổng thống Habib Bourguiba, nhà văn Ai Cập Naguib Mahfouz và diễn viên điện ảnh Mỹ John Travolta sẽ chết trong năm nay. Tổng thống Mỹ Bill Clinton; Tổng thống Pháp Jacques Chirac sẽ là mục tiêu của các cuộc mưu sát. Tổng thống Ai Cập Hoshi Moubarak và Tổng thống Libi Kadafi là mục tiêu của các cuộc đảo chính quân sự".

Trong đó ông cũng mạnh dạn đoán rằng:

"World Cup 98 sẽ bị khủng bố."

Những người quan tâm hồi hộp chờ đợi sự ứng nghiệm của những lời tiên tri, như một định mệnh đã an bài. Nhưng may quá....nó đã không xảy ra. Chưa hết - vào năm 1999, hiện tượng đại thập tự giá trên không gian Thái Dương hệ, khiến cả thế giới xôn sao về khả năng xảy ra ngày tận thế. Bà Elizabeth Teisster, một chiêm tinh gia nổi tiếng của Pháp, đã khẳng định một cách bi đát cho tình cảnh của nhân loại trong năm 1999 như sau:

"Năm 1999 sẽ là năm thật sự bùng nổ về thiên tai và sự xung đột quốc tế với qui mô còn lớn hơn cả chiến tranh vùng Vịnh"

Bà còn cho biết: nếu đoán sai, bà sẽ giải nghệ (Theo tạp chí Thế giới mới - số 325. Xb tạI VN). Điều này lại trùng hợp với khả năng xảy ra sự cố Y2K mà ngay cả những nhà khoa học nghiêm túc nhất cũng kêu gọi nhân loại văn minh cần đề phòng. Các hãng mỳ tôm hoạt động hết công xuất, hàng bán chạy như tôm mà không tốn tiền quảng cáo. Cả nhân loại quan tâm lại hồi hộp chờ đợi. Kết thúc năm 2000. Chẳng có gì cả. Toàn nhân loại hân hoan chào đón thiên niên kỷ mới với những cách hiểu khác nhau: nơi đón vào năm 2000; nơi thì vào năm 2001.
Nhưng ngay cả những lời bói toán trật lấc mang tầm vĩ mô như vậy, cũng chưa lay chuyển được sự hoài nghi về khả năng tồn tại của định mệnh. Đây là sai lầm do khả năng của người dự đoán, hay là tính phi khoa học của phương pháp dự đoán? Hay cũng có thể do con người đã biết trước sự việc xảy ra, nên đã tác động theo hướng có lợi cho con người?
Trải hàng thiên niên kỷ, những lời tiên tri ứng nghiệm trong thế hệ này, gây sự hoài nghi của thế hệ sau. Làm sao bạn có thể tin được có một lời tiên tri cho một sự kiện đã xảy ra trước khi bạn ra đời? Không hề có biên niên sử cho những lời tiên tri. Nhưng những lời tiên tri ấy vẫn hiện hữu trong cuộc sống của từng thế hệ, dù đúng hay sai, được công nhận hay không công nhận, như vẫn nhắc nhở cho con người một sự ám ảnh của định mệnh.
Nhưng không phải lúc nào sự dự đoán cũng sai lầm.

Trong nền văn minh Đông phương cổ đại đã tồn tại những lời tiên tri đầy huyền bí nói về số phận từng con người, của cả một thành phố, cả những quốc gia hay thậm chí của cả thế giới. Những phương pháp bói toán, tiên tri phổ biến của nền văn minh này hầu hết đều có phương pháp luận của nó. Thật kỳ lạ thay! Có một hệ thống lý thuyết vũ trụ - nền tảng của những phương pháp luận cho những lời bói toán huyền bí ấy - lại không coi sự khởi nguyên của vũ trụ bắt đầu từ ý thức của Đấng Chí Tôn. Đó chính là thuyết Âm Dương Ngũ hành.

Trong kho tàng kiến thức của nhân loại, về khả năng dự báo tương lai - nếu tạm gác lại những khả năng trực giác mang tính tiên tri - được ghi nhận qua truyền thuyết của những nhà tiên tri thuộc nền văn minh Hy-La, hoặc cổ Ai Cập cho đến Notsdame, hoặc gần hơn như bà Vanga ở Bungari hiện nay; thì những phương pháp để tìm các thông tin về tương lai của tự nhiên, xã hội và con người, có một hệ thống và phương pháp luận nhất quán phải kể đến: Thái Ất thần kinh, Mai Hoa dịch số, Tử vi đẩu số, Nhân tướng học… của học thuật Đông phương cổ đại. Hiệu quả của sự dự báo này khiến cho những người quan tâm phải kinh ngạc:
Trong sách "Chu Dịch và dự đoán học", ông Thiệu Vĩ Hoa đã viết:

“Tháng 10 năm 1990, một cán bộ chỉ huy tác chiến cao cấp của một bộ tư lệnh đã dùng phương pháp dự đoán giới thiệu trong sách, đã dự đoán trước ba tháng cuộc chiến vùng Vịnh làm chấn động cả thế giới sẽ nổ ra từ 5 đến 9 giờ sáng ngày 17 tháng 1 năm 1991. Ngày 13 tháng giêng năm 1991 họ đã báo cáo lên bộ phận chỉ huy cấp trên về việc này. Cấp trên đã hỏi lại họ"Làm sao các anh biết được mấy giờ ngày ấy sẽ nổ ra?" Họ trả lời "Dùng Bát quái tính ra". Cấp trên không chấp nhận và nói "Bát quái có thể tính ra ngày giờ đánh nhau thì cần gì đến ban chỉ huy chúng tôi nữa". Ngày 17 tháng giêng, quả nhiên trong thời gian dự đoán đã úng nghiệm”.(*)
* Chú thích: "Chu Dịch và dự đoán học". Thiệu Vĩ Hoa. NXB Văn Hóa 1995. trang IX - X.

Để xảy ra một sự kiện lịch sử, không phải chỉ do một vài nguyên nhân đơn giản, dễ nhận thấy, xuất phát từ những hành động và suy nghĩ của một vài nhân vật lịch sử theo kiểu cái hắt hơi của Napoleon, đã gây nên sự thất bại của ông trong trận Oaterlo. Nhưng thật khó giải thích khi chỉ bằng ba đồng tiền cổ rơi trên chiếc mai rùa của một quẻ Dịch, cả một sự kiện mang tầm cỡ quốc tế đã được dự đoán trước ba tháng - chính xác đến tận giờ nổ súng của cuộc chiến vùng Vịnh. Để xảy ra một sự kiện tầm cỡ lịch sử nhân loại như vậy - trùng khớp với lời tiên tri - thì mọi diễn biến của sự kiện: Từ những tính toán của bộ máy chiến tranh của cả hai bên; sự hoạt động tấp nập nhộn nhịp của các chính khách có chỉ số IQ khác nhau; của các nhà ngoại giao tài ba hoặc chuyên gây khó chịu; mức độ ảnh hưởng của các cường quốc lớn nhỏ; cho đến sự vận động của từng người lính trong bộ máy chiến tranh…đều phải trùng khớp đến từng chi tiết. Chỉ cần một sự trục trặc - một toán biệt kích bị lộ, hoặc một tù binh bị bắt chẳng hạn - cuộc chiến vùng Vịnh I sẽ không thể xảy ra từ 5 đến 7 giờ sáng ngày 17/ 1/ 1991, mà có thể sẽ vào dịp khác!

Phải chăng định mệnh đang chi phối cả lịch sử của loài người? Phải chăng, ngay với sự vận động ở quy mô xã hội, mà trong đó những giá trị thánh thiện, tình yêu thương cùng với những âm mưu đen tối và mọi cái xấu xa bẩn thỉu đều quay cuồng trong trò chơi định mệnh, để con người phải ngậm ngùi trong số phận của mình? Hay đó chỉ là những diễn tiến tất yếu có thể dự đoán được, nhưng bằng những phương pháp bắt nguồn từ những nhận thức của thời xa xưa, mà ngày nay con người hiện đại đã xa lạ với những khái niệm của nó?
Bạn vẫn có thể hoài nghi sự dự đoán của ông Thiệu Vĩ Hoa. Bởi vì, ít nhất sự dự đoán của ông chỉ được công bố chính thức sau khi cuộc chiến đã xảy ra. Chẳng ai hơi đâu mà kiểm chứng một lời bói toán (cho dù của một thiên tài), nhưng lại không có văn bản chính thức lưu lại mà chưa được công chứng như vậy (Tối thiểu cũng phải ở cấp phường). Nhưng vấn đề cũng không chỉ dừng lại ở đây.

Trong mùa Tiger cúp 1998. Tại sân vận động Hàng Đẫy - Hà Nội, một trận đấu được chờ đợi từ lâu sắp xẩy ra giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan. Tất cả khán giả xem truyền hình trực tiếp trong cả nước và có thể cả nước ngoài, đều nhìn thấy một khán giả giương cao tấm bảng ghi tỷ số 4 - 1. Hình ảnh này được lặp lại không chỉ một lần. Sau trận đấu, đội Việt Nam thắng 4, Thái Lan 1, đúng như lời tiên tri. Để có kết quả tiên tri này, người dự báo phải chọn 1 trong 100 con số. Tức là, phải chọn từ 0 - 0 đến 9 - 9. Nói theo ngôn ngữ toán học thì xác xuất dự báo chỉ là 1%. Hiện tượng dự báo chính xác này cũng không thể khiên cưỡng cho rằng: Đó là do tính ngẫu nhiên của phép xác xuất (mà dân gian quen gọi nôm là "chó ngáp phải ruồi"). Bởi vì, để có một tỷ số như vậy, không thể giải thích đơn giản chỉ là tính xác xuất; mà đó là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố: Từ nỗ lực của huấn luyện viên, ban lãnh đạo đội bóng cho đến từng cầu thủ; cũng còn phải kể đến sự nhiệt tình của cổ động viên, tâm lý trọng tài và hàng trăm thứ khác. Chỉ cần một ngọn gió đổi chiều, một cú sút không phải từ má trái, mà từ má phải của bàn chân, cũng đủ để tỷ số sẽ thay đổi! Nhưng ở đây, tất cả đã trùng khớp như một sự an bài kỳ diệu để tỷ số phải là 4 -1!
Trong trang web Tuvilyso.com, nếu ai có dịp ghé qua sẽ chứng kiến lời tiên tri thần sấu của Thiên Cơ và Dương Tường trong topic do CayVong pos lên vào đầu năm 2003; có tựa là:"Vận của Sadam Hussen sắp hết?”: Họ đã đoán trước chính xác đến ngày khởi chiến của cuộc chiến vùng Vịnh II (Thiên Cơ) và ngày kết thúc (Dương Tường) trước ba tháng khi cuộc chiến xảy ra.
Chưa hết! Bạn đọc hãy xem đoạn trích dẫn sau đây trong sách "Thái Ất thần kinh". Dịch giả Thái Quang Việt, đề đáp Nguyễn Đoàn Tuân. Nxb Văn Hóa Dân Tộc 2/ 2001. Trang 352:

"Trong sách nói về quẻ Giải là do sấm mưa tạo nên họa hoạn, nạn tai và thế giới khó bề an ninh, động 8 phương nước lớn, thuộc hạn cửu dương bách lục, nhất là vào cuối năm 2002 là Nhâm Ngọ thì thế giới có nạn lụt lớn vô cùng".
(Chú thích: Cuốn sách này được tái bản vào tháng 4/ 2002 (Tháng 3/ Nhâm Ngọ.Tức là trước khi nạn lụt xảy ra). Lời tiên tri trong lần tái bản này ở trang 397. Cụ Nguyễn Đoàn Tuân mất vào ngày 19/7 năm Nhâm Ngọ; tức là trước khi cụ được tự hào nhìn thấy sự tính toán chính xác của mình bằng phương pháp Thái Ất).

Qua đoạn trích dẫn trên, bạn đọc cũng thấy đây là một lời tiên tri và đã ứng nghiệm vào một năm sau đó. Trong năm Nhâm Ngọ (2002) bắt đầu vào tháng 7 Âm lịch (nửa cuối năm), bão lụt hoành hành khắp từ châu Mỹ sang châu Âu, Băng Đa Let, Ấn độ, Nam Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và đều là những cơn bão, lụt tầm cỡ lịch sử. Thậm chí cho đến tận những ngày cuối cùng của năm Nhâm Ngọ, thiên tai do lở đất và lụt lội khủng khiếp vẫn xảy ra ở Indonesia và Peru. Có thể nói rằng: đây là lời tiên tri chi tiết và sớm nhất về khí hậu toàn cầu, trước tất cả các cơ quan dự báo khí tượng hiện đại nhất thế giới. Tất nhiên, không phải chỉ đến khi sách phát hành, lời dự báo đó mới được thực hiện. Đây là một công thức tính toán có phương pháp hẳn hoi. Phương pháp này đã được lập thành với thời gian tính bằng thiên niên kỷ. Phải chăng ở đây, định mệnh đã an bài hay một quy luật vũ trụ đã được nhận thức từ trước đó, từ nền văn hóa cổ Đông phương và nó đã được ký hiệu hoá?
Nếu định mệnh có thật và nhân danh bất cứ một giá trị tuyệt đối nào; phải chăng con người chỉ là một thứ robot sinh học, được lập trình từ trước trong trò chơi của tạo hóa? Nhưng nếu định mệnh có thật - thì dù hiện hữu dưới bất cứ hình thức nào và gọi bằng bất cứ danh từ gì - nó sẽ là đối tác trong khả năng nhận thức của con người. Lúc ấy, chính khả năng nhận thức của con người lại không thuộc về định mệnh.
Phải chăng định mệnh không có thật?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các giai đoạn chính trong quá trình phát sinh loài người

Quá trình phát sinh loài người đã trải qua các giai đoạn chính sau đây: vượn người hoá thạch, người tối cổ (người vượn), người cổ và người hiện đại. Quá trình này đã được chứng minh bằng các hoá thạch phát hiện ngày càng đầy đủ. I/.CÁC DẠNG VƯỢN NGƯỜI HÓA THẠCH Dạng vượn người hoá thạch cổ nhất là Parapitec sống ở giữa kỷ Thứ ba, cách đây khoảng 30 triệu năm. Đây là một loài khỉ mũi hẹp, bằng con mèo, có đuôi, mặt khá ngắn, hộp sọ khá lớn, sử dụng chi trước vào nhiều hoạt động như cầm nắm thức ăn, bóc vỏ quả cây. Từ Parapitec đã phát sinh ra vượn, đười ươi ngày nay và Đriôpitec đã tuyệt diệt. Một nhánh con cháu của Đriôpitec dẫn tới gôrila và tinh tinh. Một nhánh khác dẫn tới loài người, qua một dạng trung gian đã tuyệt diệt là Ôxtraôpitec sống ở cuối kỷ Thứ ba, cách đây hơn 5 triệu năm. Chúng đã chuyển hẳn xuống mặt đất, đi bằng 2 chân sau, mình hơi khom về phía trước. Chúng sống giữa thảo nguyên trống trải, cao 120 – 140cm, nặng 20 – 40kg, sọ 500 – 600cm3. Chúng đã biết sử dụng cành

Vì sao con người thích thử nghiệm cái mới?

Các nhà khoa học đã xác định được một vùng não khiến chúng ta có máu phiêu lưu. Kết quả có thể giúp lý giải vì sao mọi người luôn bị thu hút bởi những món hàng mới khi đi mua sắm. Khi chụp ảnh não để đo dòng máu chảy, các nhà nghiên cứu Anh đã phát hiện một vùng não, gọi là thể vân bụng, hoạt động nhiều hơn khi chủ thể chọn một đồ vật mới lạ trong cuộc kiểm tra. Vùng não này liên quan tới việc xử lý các phần thưởng thông qua việc thải ra các truyền dẫn thần kinh như dopamine. Các nhà khoa học tin rằng sự tồn tại của cơ chế tặng thưởng lâu đời này chứng tỏ có một lợi thế tiến hóa trong việc thử nghiệm những điều chưa được biết. "Tìm kiếm một cảm giác mới lạ là một xu hướng hành vi cơ bản ở con người và động vật. Việc thử nghiệm những lựa chọn mới sẽ mang lại những lợi ích lâu dài", Bianca Wittmann tại Đại học College London, Anh, nhận định. Tuy nhiên, liều lĩnh cũng mang lại rủi ro. Một số lựa chọn có thể gây nguy hiểm, và ở thế giới hiện đại, chọn lựa những thứ mới sẽ khiến n