Chuyển đến nội dung chính

Người bán Hotmail 400 triệu USD

Người sử dụng Internet hẳn đều biết đến Hotmail - dịch vụ cung cấp hộp thư điện tử miễn phí thông dụng khắp thế giới. Nhưng còn ít người biết đến chàng trai trẻ tuổi nghĩ ra ý tưởng kinh doanh độc đáo này đã bán doanh nghiệp của mình cho Microsoft với giá 400 triệu USD như thế nào.
Sabeer Bhatia đến sân bay Los Angeles vào ngày 23/9/1989, bụng đói cồn cào. Chuyến bay của anh từ Bangalore, Ấn Độ, mất 22 tiếng. Anh đến Mỹ lúc vừa 19 tuổi, không quen biết bất kỳ ai, trong túi chỉ có 400 USD và một học bổng do Học viện Kỹ thuật California cấp.
Bốn năm sau, tốt nghiệp xong anh cùng bạn là Jack Smith vào làm kỹ sư phần cứng cho hãng Apple. Thung lũng Silicon dạo ấy đầy rẫy những câu chuyện trở thành triệu phú một sớm một chiều nhờ một ý tưởng sáng tạo nào đó. Sáng nào Bhatia cũng kể cho Smith nghe một, hai chuyện rồi kết luận nếu không nảy ra ý tưởng đáng đồng tiền bát gạo nào thì cuộc đời hai người xem như chôn vùi vào nghiệp bàn giấy.
Tháng 12/1995, Jack Smith đang lái xe về nhà bỗng nảy ra ý tưởng: xây dựng một hộp thư điện tử miễn phí, ai vào cũng được, đọc từ đâu cũng được trên Internet, Smith vội vàng gọi cho Bhatia bằng điện thoại trên xe. Bhatia nghe xong câu đầu tiên liền bảo: "Jack, cúp máy ngay. Về nhà hẵng gọi cho mình bằng điện thoại riêng nhé".
Suốt đêm ấy Bhatia không ngủ, anh ngồi soạn toàn bộ kế hoạch kinh doanh dựa trên ý tưởng vừa mới bừng lên lúc chiều.
Bhatia cần 300.000 USD để thực hiện ý tưởng. Anh đem kế hoạch của mình đến chào hàng 19 công ty đầu tư vốn mạo hiểm - những công ty sẵn sàng bỏ tiền ra cho khách hàng kinh doanh để đổi lại phần trăm quyền sở hữu sau này nhưng 19 công ty này đã từ chối thẳng thừng. Sau cùng, anh gặp Steve Jurvetson, người tỏ ý quan tâm nhưng vẫn chưa hănt tin rằng ý tưởng sẽ thành công như kế hoạch của Bhatia. Để đổi lại khoản tiền tạm ứng 300.000 USD, Jurvetson đòi quyền sở hữu 30%. Bhatia chỉ chịu 15%. Bàn mãi, cuối cùng Jurvetson đồng ý.
Bhatia và Smith nghỉ việc tại hãng Apple, mở một văn phòng nhỏ xíu tại Fremont, California. Bhatia thuyết phục 15 nhân viên vừa tuyển chịu làm công không ăn lương, đổi lại sau này họ được quyền mua cổ phiếu của công ty với giá rẻ.
Đến tháng 6, hai người tiêu sạch hết tiền trong khi còn một tháng nữa sản phẩm Hotmail mới có thể ra mắt. Lúc này nhiều công ty đầu tư sẵn sàng ứng thêm tiền kể cả Doug Carlisle, nhưng Bhatia và Smith quyết định vay tiền ngân hàng thêm 100.000 USD để giữ quyền kiểm soát công ty trước khi nhận thêm vốn bên ngoài.
Ngày 4/7/1996, Bhatia và Smith chính thức cho ra đời dịch vụ Hotmail. Lúc ấy thư điện tử đã là chuyện bình thường, nhưng máy tính của ai đăng ký dịch vụ của công ty Internet nào chỉ dùng e-mail của công ty đấy. Với Hotmail, không cần có máy vi tính riêng, bất kỳ ai có thể sử dụng tạm chiếc máy của quán cà phê, cơ quan, nhà bạn bè ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều có thể vào hộp thư riêng của mình trên Internet, nhận thư và gửi thư một cách tự do.
Sáng đó, Bhatia và Smith mang theo mình chiếc máy nhắn tin, hàng giờ thông báo cho số lượng khách hàng đăng ký tham gia Hotmail. Giờ đầu có 100 người, những người này thông báo cho bạn bè về dịch vụ mới mẻ, thuận tiện này. Tiếng lành lan nhanh, giờ thứ nhì có 200 người, giờ thứ 3 lên 250 người. Ý tưởng Hotmail mạnh đến nỗi 80% người đăng ký cho biết, họ biết dịch vụ này là nhờ bạn bè giới thiệu.
Đến lúc Bhatia sẵn sàng nhận thêm vốn từ Doug Carlisle để phát triển dịch vụ, đã có 100.000 khách hàng và được định giá 18 triệu USD. Lúc này điều anh sợ nhất là có người bắt chước ý tưởng hộp thư điện tử miễn phí, nhất là những đại gia như Microsoft. Sáng nào anh cũng lướt trên Internet để tìm đối thủ, nhưng phải đến 6 tháng sau mới có người sao chép Hotmail. Lúc này Hotmail đã có 6 triệu người đăng ký.
Lúc Microsoft và đạo quân luật sư của mình đổ bộ xuống California, Bhatia đã sẵn sàng. Lời ngã giá mua Hotmail đầu tiên của Microsoft cũng đã lên hàng chục triệu đôla nhưng Bhatia thẳng thừng từ chối. Đạo quân Microsoft trở về bản doanh và sau đúng một tuần họ quay lại. Họ mời Bhatia lên Redmon để gặp trực tiếp ông chủ Bill Gates. Gates hỏi nhiều chuyện nhưng Bhatia sau này nhớ lại: "Ông ta hỏi những chuyện về chiến lược bình thường như hàng chục công ty đã hỏi tôi. Tôi nhận thấy ông cũng là người bình thường bằng da bằng thịt, ông ta không phải là siêu nhân". Thế là Bhatia vững bụng giữ giá.
Trước đó, Bhatia đã thăm dò trong số cổ đông của mình để xem nên đòi giá nào. Doug Carlisle đưa ra con số 200 triệu USD, Bhatia thách thức: "Nếu tôi bán được hơn số đó, anh nghĩ sao?". Carlisle cười đáp: "Anh mà bán đến con số tôi đưa ra, tôi sẽ cho tạc tượng anh để dựng trước công ty tôi".
Lẳng lặng Bhatia đưa ra con số nửa tỷ đôla cho hãng Microsoft. "Anh điên rồi" các nhà thương thảo Microsoft thốt lên. Thế nhưng họ đã dùng mồi nhử ngày càng cao làm nội bộ Hotmail căng thẳng như dây đàn. 200 triệu... 250 triệu... 300 triệu USD. Carlisle hoảng hốt đòi bán. Bhatia dứt khoát không chịu. Đến lúc Microsoft ra giá 350 triệu USD, hầu như mọi cổ đông của và nhân viên của Hotmail đều đồng ý bán.
"Từ chối giá đó là quyết định khó khăn, đáng sợ nhất đời tôi - Bhatia nhớ lại - "Mọi người đều nói nếu thương lượng đổ vỡ, anh chỉ còn biết đưa đầu chịu báng mà thôi".
Vào ngày cuối cùng của năm 1997, Microsoft và Hotmail ra thông báo: 2 bên đã đạt được thỏa thuận, Microsoft mua lại Hotmail với giá 2.769.148 cổ phiếu Microsoft lúc đó có giá vừa đúng 400 triệu USD. Để dễ hình dung, các bạn hãy nhớ lại 300.000 USD mà Steve Jurvetson ứng trước cách đấy không lâu nay đã đem về cho anh ta 60 triệu USD.
Doug Carlisle giữ đúng lời hứa, đặt tượng Bhatia nhưng anh từ chối vì mẹ anh không chịu. Bà nói chỉ có những vĩ nhân như Gandhi mới có vinh dự đó. Bhatia vẫn làm Tổng Giám đốc của Hotmail sau khi sáp nhập. Chỉ 8 tháng sau, số tiền 400 triệu USD Microsoft bỏ ra xem chừng còn hời lắm. Lúc đó, Hotmail có 22 triệu khách hàng, hằng ngày có thêm 1.250.000 khách hàng mới. Bhatia đã xây dựng Hotmail nhanh hơn bất cứ công ty nào trong lịch sử nhanh hơn cả CNN hay America Online. Ngày nay, Hotmail có 67 triệu người sử dụng, còn Bhatia đã rời Microsoft vào tháng 3/1999 để xây dựng một công ty khác với hoài bão tương tự như Hotmail.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các giai đoạn chính trong quá trình phát sinh loài người

Quá trình phát sinh loài người đã trải qua các giai đoạn chính sau đây: vượn người hoá thạch, người tối cổ (người vượn), người cổ và người hiện đại. Quá trình này đã được chứng minh bằng các hoá thạch phát hiện ngày càng đầy đủ. I/.CÁC DẠNG VƯỢN NGƯỜI HÓA THẠCH Dạng vượn người hoá thạch cổ nhất là Parapitec sống ở giữa kỷ Thứ ba, cách đây khoảng 30 triệu năm. Đây là một loài khỉ mũi hẹp, bằng con mèo, có đuôi, mặt khá ngắn, hộp sọ khá lớn, sử dụng chi trước vào nhiều hoạt động như cầm nắm thức ăn, bóc vỏ quả cây. Từ Parapitec đã phát sinh ra vượn, đười ươi ngày nay và Đriôpitec đã tuyệt diệt. Một nhánh con cháu của Đriôpitec dẫn tới gôrila và tinh tinh. Một nhánh khác dẫn tới loài người, qua một dạng trung gian đã tuyệt diệt là Ôxtraôpitec sống ở cuối kỷ Thứ ba, cách đây hơn 5 triệu năm. Chúng đã chuyển hẳn xuống mặt đất, đi bằng 2 chân sau, mình hơi khom về phía trước. Chúng sống giữa thảo nguyên trống trải, cao 120 – 140cm, nặng 20 – 40kg, sọ 500 – 600cm3. Chúng đã biết sử dụng cành

Vì sao con người thích thử nghiệm cái mới?

Các nhà khoa học đã xác định được một vùng não khiến chúng ta có máu phiêu lưu. Kết quả có thể giúp lý giải vì sao mọi người luôn bị thu hút bởi những món hàng mới khi đi mua sắm. Khi chụp ảnh não để đo dòng máu chảy, các nhà nghiên cứu Anh đã phát hiện một vùng não, gọi là thể vân bụng, hoạt động nhiều hơn khi chủ thể chọn một đồ vật mới lạ trong cuộc kiểm tra. Vùng não này liên quan tới việc xử lý các phần thưởng thông qua việc thải ra các truyền dẫn thần kinh như dopamine. Các nhà khoa học tin rằng sự tồn tại của cơ chế tặng thưởng lâu đời này chứng tỏ có một lợi thế tiến hóa trong việc thử nghiệm những điều chưa được biết. "Tìm kiếm một cảm giác mới lạ là một xu hướng hành vi cơ bản ở con người và động vật. Việc thử nghiệm những lựa chọn mới sẽ mang lại những lợi ích lâu dài", Bianca Wittmann tại Đại học College London, Anh, nhận định. Tuy nhiên, liều lĩnh cũng mang lại rủi ro. Một số lựa chọn có thể gây nguy hiểm, và ở thế giới hiện đại, chọn lựa những thứ mới sẽ khiến n