Chuyển đến nội dung chính

Thành Troy, huyền thoại hay sự thật?


Thành Troy có thực sự tồn tại hay không? Cuộc chiến và con ngựa khổng lồ thành Troy là huyền thoại hay là một thực tế lịch sử? Khi bộ phim Troy do tài tử Brad Pitt thủ vai chính đang làm mưa làm gió trên khắp các rạp ở Bắc Mỹ, giới khảo cổ học và sử gia cũng không đứng ngoài cuộc: Họ đi tìm sự thật về thành phố cổ đại và thiên sử thi được lấy làm đề tài cho bộ phim.

Thành Troy, huyền thoại hay sự thật?

Theo sử thi Iliad của Hy Lạp, hoàng tử Paris thành Troy đã "nẫng" mất nàng Helen xinh đẹp tuyệt trần từ tay vua Hy Lạp Menelaus chồng nàng. Vì hành động này mà hai nước vốn giao hảo với nhau bỗng nổi can qua, và cuối cùng người anh hùng Achilles đã dẫn đoàn quân Hy Lạp sang vây hãm thành Troy để "rửa mối quốc nhục". Theo truyền thuyết, nhà thơ Homer viết thiên sử thi này vào khoảng thế kỷ VIII - IX trước CN, sau cuộc chiến tranh khoảng vài trăm năm. Phần lớn tác phẩm, từ nhân vật cho đến diễn biến, đều mang nặng màu sắc huyền thoại. Hơn nữa, không có một bằng chứng nào về sự tồn tại của cả Achilles lẫn Helen.

Tuy nhiên, rất nhiều học giả lại khẳng định: Bản thân thành Troy không phải là một sản phẩm của trí tưởng tượng mà là một thành phố có thật, và cuộc chiến tranh ở đây cũng đẫm máu như bao cuộc chiến tranh khác. Thậm chí, các nhà khảo cổ học tham gia tìm kiếm sự thật về tác phẩm huyền thoại của Homer cho rằng cuộc chiến thành Troy là cả một quá trình chứ không chỉ đơn thuần là một sự kiện. Eric Cline, nhà sử học kiêm khảo cổ học tại ĐH George Washington (Mỹ), cho biết: "Chúng tôi có đủ bằng chứng văn bản và khảo cổ để chứng minh rằng cuộc chiến thành Troy đã thực sự diễn ra, và Homer đã chọn lấy một vài sự kiện trong đấy để sáng tạo thành một trường thiên tiểu thuyết kéo dài trong mười năm."

"Ứng cử viên" cho thành Troy

Năm 1870, Heinrich Schliemann đã tiến hành khai quật di chỉ Hisarlik tại miền Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, nơi được cho là thành Troy cổ xưa. Tay thám hiểm người Đức ranh mãnh đã vơ hết công khám phá Hisarlik về cho mình, mặc dù khi đào bới khu vực này, hắn chỉ thừa hành chỉ thị của nhà khảo cổ học người Anh Frank Calvert mà thôi.

Di chỉ Hisarlik bao gồm chín thành phố nằm chồng lên nhau, ở giữa là một khu thành nằm lọt giữa một thị trấn đông đúc, xung quanh có thành cao bảo vệ. Háo hức tìm kiếm những kho báu huyền thoại của thành Troy, Schliemann xới tung hết cả lên để đến được thành phố thứ hai và tìm được thứ mà hắn nghĩ là đồ trang sức của Helen. Thực ra, tuổi của số đồ trang sức này còn xưa hơn thời gian mà Homer mô tả đến... 1.000 năm. Đến tận hôm nay, các nhà khảo cổ học mới có bằng chứng để kết luận rằng hai thành phố cổ thứ sáu và thứ bảy tại Hisarlik là những "ứng cử viên" sáng giá nhất cho thành Troy huyền thoại.

Đẹp rực rỡ và mạnh mẽ, thành phố số sáu trông giống như thành Troy của Homer. Vấn đề ở đây là nguyên nhân khiến toà thành này bị sụp đổ vào năm 1250 trước CN lại không phải là chiến tranh, mà là vì... động đất! Theo Illiad, người Hy Lạp chiếm toà thành bằng cách nấp trong một con ngựa khổng lồ mà họ tặng cho người dân thành Troy. Con ngựa thành Troy chắc hẳn là biểu tượng cho Poseidon, vị thần cai quản biển cả và động đất có nhiều mối liên hệ với loài ngựa. Cline cho biết: "Có lẽ Homer cũng biết rằng toà thành mà mình mô tả đã bị động đất phá huỷ. Nhưng đấy không phải là một cái kết hay dành cho một trường thiên tiểu thuyết hoành tráng như Illiad, vì thế ông đã nghĩ ra chi tiết con ngựa thành Troy."

Ngược lại, thành phố cổ thứ bảy tại di chỉ Hisarlik lại mang đầy dấu tích bị vây hãm và phá huỷ trong cuộc chiến tranh năm 1175 trước CN - giới khảo cổ học thậm chí còn tìm thấy cả đầu mũi tên trên đường phố. Tuy nhiên, bản thân thành phố này lại không lớn như Homer mô tả. Cline nói: "Có thể Homer đã kết hợp chi tiết của thành Troy 6 và sự tàn phá của thành Troy 7, sau đó nhập cả hai vào trong một cuộc chiến tranh mười năm."

Và những giả thuyết...

Nếu thực sự nằm tại di chỉ Hisarlik, vào cuối thời kỳ đồ đồng, thành Troy chắc hẳn là một phần thưởng quý giá cho bất cứ vị vua nào thèm khát quyền lực. Nằm trên cửa ngõ vào biển Đen, thành Troy là một trong những đầu mối giao thông quốc tế quan trọng. Đế chế Mycenae của Hy Lạp nằm ở phía Tây, đế chế Hittite trải dài từ Mesopotamia tới Syria nằm ở phía Đông. Nền tảng cho sự phồn thịnh của thành Troy nằm ở tiền thuế thu của những người đi biển muốn vào biển Đen. Cline cho biết: "Nếu người Mycenae mà lấy được Troy thì quả là một món hời. Cuộc chiến tranh này chắc hẳn cũng đã nổ ra vì những lý do thông thường: lợi nhuận kinh tế, lòng tham, vinh quang, lãnh thổ và kiểm soát các tuyến đường thương mại."

Nhưng cũng có khả năng người Hy Lạp không hề đánh thành Troy - thủ phạm có thể là các dân tộc miền biển khác ít nổi tiếng hơn. Khởi sự từ vùng đất thuộc Italia ngày nay, các dân tộc này đã tràn qua Địa Trung Hải từ phía tây sang phía đông. Theo những văn tự tìm thấy được ở Ai Cập, họ đã đi qua thành Troy vào thời điểm diễn ra cuộc chiến Troy, khoảng năm 1200 trước CN.

Ngoài ra, còn có một giả thuyết khác: Các văn bản cổ của người Hittite cho biết đã nổ ra một cuộc xung đột liên miên kéo dài trong suốt 200 năm giữa đế chế Hittite và liên minh nổi loạn, trong đó có Troy. Người Mycenae của Hy Lạp đã thực sự liên kết với người Troy để chống lại người Hittite. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy bình gốm Mycenae tại Troy 6, cho thấy rằng hai nước đã từng "bắt tay" với nhau.

Phải chăng người đẹp Helen là nguyên nhân của cuộc chiến thành Troy?

Hầu hết các nhà khảo cổ học đều đồng ý rằng cách giải thích ít căn cứ nhất là cuộc chiến thành Troy nổ ra chỉ vì nàng Helen, mà theo Homer là người phụ nữ đẹp nhất thế giới. Tuy nhiên, trong lịch sử đã từng có tiền lệ: Chiến tranh nổ ra khi một vị vua bị đối xử bất công. Vào thế kỷ XIV trước CN, vua Hittite nhận được một bức thư từ hoàng hậu Ai Cập, nói rằng chồng bà vừa chết và hỏi xem ông có đồng ý cho con trai cưới bà ta hay không. Vua Hittite đồng ý và phái một người con trai sang; tuy nhiên trên đường sang Ai Cập thì vị hoàng tử này bị giết. Nghi ngờ rằng con trai mình bị người Ai Cập giết, vua Hittite phát động chiến tranh đánh lại người Ai Cập. Cline giải thích: "Nếu người Hittite và người Ai Cập có thể gây chiến vì một hoàng tử thì tại sao sau đấy chưa đầy 100 năm, người Mycenae và người Troy lại không thể đánh nhau vì hoàng hậu bị bắt cóc? Có thể nguyên nhân thực sự không phải như vậy, nhưng vào thời điểm hiện nay chúng tôi chưa có bất cứ một dữ liệu nào để tìm ra đích xác nguyên nhân cả."

Chỉ có một điều rõ ràng: Đó là cuộc chiến đã chấm dứt một thời đại, nhưng để lại cho hậu thế một huyền thoại. Và đối với chúng ta ngày nay, còn có cả một... bộ phim đang đứng đầu bảng về doanh thu ở Bắc Mỹ!

Nàng Helen của thành Troy là có thật?

Nàng Helen - người đàn bà tuyệt mỹ được miêu tả trong bản trường ca bất hủ Iliad của Homer - là dựa trên một người phụ nữ có thật.

Theo giả thuyết mới do học giả Bettany Hughes đưa ra, nhân vật truyền thuyết Helen được lấy cảm hứng từ một nữ hoàng giàu có sống ở miền Nam Hy Lạp vào thời kỳ đồ đồng.

Hughes, nguyên là học giả Đại học Oxford, đã thực hiện các cuộc nghiên cứu về người Balkan, Hy Lạp, và Tiểu Á. Trong cuốn sách của mình: Helen of Troy: Goddess, Princess, Whore, bà viết: "Tôi tin rằng cả 3 con người này - công chúa, nữ thần và con điếm - đều nằm trong người nàng Helen, và hình mẫu của nàng được lấy từ một trong những nữ hoàng Sparta giàu có sống và chết ở mảnh đất Hy Lạp vào khoảng thế kỷ 13 trước Công nguyên; một người phụ nữ chỉ đi ngủ vào lúc đêm khuya và thức dậy khi mặt trời vừa hé, một con người hoàn toàn trần tục, một nữ quý tộc chủ trì các nghi lễ tôn giáo huyền bí, một người đàn bà được tôn kính, vinh danh và có quyền lực sánh ngang các vị thần. Một con người sống vượt qua mọi thời đại".

Dựa trên những tác phẩm của Homer, Sappho và lịch sử gia Herodotus, Hughes cho rằng cung điện của Helen nằm trên ngọn đồi Therapne gần con sông Eurotas. Ba bộ xương của một phụ nữ 30 tuổi và 2 đứa trẻ đã được khai quật tại khu vực này, cùng với dấu tích của những công trình đã bị ngọn lửa thiêu huỷ. Người ta vẫn chưa rõ điều gì xảy ra tại khu vực, nhưng Hughes cho rằng cuộc sống của Helen rất ngắn ngủi, bởi tuổi thọ trung bình của phụ nữ Mycenaea chỉ là 28 năm.

"Phụ nữ thời đó làm mẹ từ khi 12 tuổi, lên chức bà ngoại khi 24 tuổi và chết trước tuổi 30", Hughes nói.

Nhà văn Homer đã miêu tả Helen có làn da trắng toả ánh sáng lung linh mờ ảo. Hughes cho rằng thứ ánh sáng lung linh đó bắt nguồn từ loại vải tẩm dầu thơm oliu - mốt thời thường của phụ nữ giàu có giai đoạn này.

Trong khi người Hy Lạp thường có tóc đen, thì những bức hoạ từ thời của Helen khoảng 3.500 trước tiết lộ có ít nhất một người phụ nữ mang mái tóc đỏ hung và đôi mắt xanh. Hughes cho rằng chính Helen có mái tóc như vậy và điều đó thể hiện một quyền lực tôn giáo đặc biệt ở nàng.

Theo tài liệu cổ, Helen đã kết hôn nhưng lại có vụ scandal tình ái với hoàng tử thành Troy tên là Paris. Mặc dù các nhà văn miêu tả Helen bị cưỡng bức, nhưng Hughes cho rằng cuộc yêu đương đến từ cả 2 phía.

Các cuộc khai quật thực hiện vào thế kỷ 19 và chỉ vài năm trước cũng cho thấy thành Troy từng nằm tại nơi là Hissarlik ngày nay ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những đầu mũi tên bằng đồng và các bộ xương của người bị thương càng thêm khẳng định rằng một cuộc ác chiến đã diễn ra tại thành Troy trong quãng đời của Helen.

Trong tác phẩm Iliad, Homer miêu tả chiến tranh thành Troy đã được nhen nhóm từ cơn thịnh nộ của chồng Helen là vua Meneleus khi chứng kiến cuộc ngoại tình của vợ mình với hoàng tử Paris. Nhưng chính sự giàu có của thành Troy cũng biến nó thành một mục tiêu hấp dẫn.

Tuy vậy, gương mặt của nữ hoàng Sparta không đủ để làm khởi thuỷ hàng nghìn con tàu, Hughes nhận định. Một hạm đội như thế có thể làm tan nát cả khu vực. Bà cho rằng chỉ khoảng 7 thuyền tham chiến là cùng.

Tim Whitmarsh, một học giả về văn học Hy Lạp tại Đại học Exeter, Anh, lại cho rằng không thể có một nhân vật Hy Lạp thật đằng sau truyền thuyết về Helen."Người phụ nữ Hy Lạp điển hình, được miêu tả trong bài thơ nổi tiếng của Semonides, giống như một con ong chăm chỉ: nàng cần mẫn làm việc tại nhà, tạo ra vải vóc cho các gia đình. Helen, trong khi đó, là một nhân vật tội lỗi, một người đàn bà lăng loàn, một người phụ nữ không chịu yên phận, kẻ khơi nguồn chiến tranh, và chẳng mang lại điều gì cho đàn ông ngoài những rắc rối".

Nguồn: VnExpressNguồn: vnn.vn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các giai đoạn chính trong quá trình phát sinh loài người

Quá trình phát sinh loài người đã trải qua các giai đoạn chính sau đây: vượn người hoá thạch, người tối cổ (người vượn), người cổ và người hiện đại. Quá trình này đã được chứng minh bằng các hoá thạch phát hiện ngày càng đầy đủ. I/.CÁC DẠNG VƯỢN NGƯỜI HÓA THẠCH Dạng vượn người hoá thạch cổ nhất là Parapitec sống ở giữa kỷ Thứ ba, cách đây khoảng 30 triệu năm. Đây là một loài khỉ mũi hẹp, bằng con mèo, có đuôi, mặt khá ngắn, hộp sọ khá lớn, sử dụng chi trước vào nhiều hoạt động như cầm nắm thức ăn, bóc vỏ quả cây. Từ Parapitec đã phát sinh ra vượn, đười ươi ngày nay và Đriôpitec đã tuyệt diệt. Một nhánh con cháu của Đriôpitec dẫn tới gôrila và tinh tinh. Một nhánh khác dẫn tới loài người, qua một dạng trung gian đã tuyệt diệt là Ôxtraôpitec sống ở cuối kỷ Thứ ba, cách đây hơn 5 triệu năm. Chúng đã chuyển hẳn xuống mặt đất, đi bằng 2 chân sau, mình hơi khom về phía trước. Chúng sống giữa thảo nguyên trống trải, cao 120 – 140cm, nặng 20 – 40kg, sọ 500 – 600cm3. Chúng đã biết sử dụng cành

Vì sao con người thích thử nghiệm cái mới?

Các nhà khoa học đã xác định được một vùng não khiến chúng ta có máu phiêu lưu. Kết quả có thể giúp lý giải vì sao mọi người luôn bị thu hút bởi những món hàng mới khi đi mua sắm. Khi chụp ảnh não để đo dòng máu chảy, các nhà nghiên cứu Anh đã phát hiện một vùng não, gọi là thể vân bụng, hoạt động nhiều hơn khi chủ thể chọn một đồ vật mới lạ trong cuộc kiểm tra. Vùng não này liên quan tới việc xử lý các phần thưởng thông qua việc thải ra các truyền dẫn thần kinh như dopamine. Các nhà khoa học tin rằng sự tồn tại của cơ chế tặng thưởng lâu đời này chứng tỏ có một lợi thế tiến hóa trong việc thử nghiệm những điều chưa được biết. "Tìm kiếm một cảm giác mới lạ là một xu hướng hành vi cơ bản ở con người và động vật. Việc thử nghiệm những lựa chọn mới sẽ mang lại những lợi ích lâu dài", Bianca Wittmann tại Đại học College London, Anh, nhận định. Tuy nhiên, liều lĩnh cũng mang lại rủi ro. Một số lựa chọn có thể gây nguy hiểm, và ở thế giới hiện đại, chọn lựa những thứ mới sẽ khiến n